10/03/2017
Bệnh Lao phổi
Lao phổi là tình trạng nhiễm trùng phế quản, nhu mô phổi, gây ra bởi vi khuẩn Lao (Mycobacterium Tuberculosis). Bệnh lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất chất thải có chứa vi khuẩn Lao của người bệnh như: nước bọt, đờm… Bệnh khó chữa, dễ tái phát, phải điều trị phối hợp nhiều thuốc, thời gian điều trị kéo dài, nhiều tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra với người bệnh. Nếu được phát hiện sớm thì Lao phổi điều trị sẽ có kết quả tốt, nhưng nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh sẽ có nhiều biến chứng, kết quả điều trị hạn chế, người bệnh có thể trở thành nguồn lây với chủng vi khuẩn Lao kháng thuốc và có thể dẫn tới tử vong.
Nguyên nhân gây bệnh:
Chủ yếu là do vi khuẩn Lao người (M.Tuberculosis Hominis) gây nên, cũng có thể do vi khuẩn Lao bò nhưng thường ít gặp. Vi khuẩn Lao vào cơ thể qua đường hô hấp là chủ yếu, khi bệnh nhân Lao phổi ho, hắt hơi sẽ phát tán các vi khuẩn ra không khí, lây lan cho người bình thường. Những bệnh nhân Lao thường khạc nhổ khá nhiều đờm, trong đờm có rất nhiều vi khuẩn lao, khi ra môi trường không khí, vi khuẩn Lao có thể sống được 3 - 4 tháng.
- Một số người có bệnh làm tăng khả năng mắc Lao phổi như: Bệnh bụi phổi, bệnh phổi do virus, bệnh Đái tháo đường, loét dạ dày – tá tràng; có HIV/AIDS, suy dinh dưỡng, nghiện rượu …
- Mức sống thấp, chiến tranh, căng thẳng tinh thần… đều là yếu tố thuận lợi cho sự phát sinh và phát triển của bệnh Lao nói chung và Lao phổi nói riêng.
- Yếu tố gen: Những năm gần đây có một số công trình nghiên cứu đề cập đến vai trò của hệ HLA, Haptoglobulin… trong việc cảm thụ với bệnh Lao.
Triệu chứng bệnh Lao phổi:
Dấu hiệu nhận biết bệnh Lao ở phổi rất phức tạp đến mức người mắc bệnh nhưng không hề có triệu chứng gì cụ thể chỉ đến khi bệnh có diễn biến nặng. Tuy nhiên, căn cứ vào những biểu hiện điển hình thường gặp dưới đây người bệnh có thể xác định được bản thân có thể bị mắc bệnh Lao phổi hay không:
- Ho: Những người ho trên 3 tuần không phải do Viêm phổi, Viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi mà đã dùng thuốc kháng sinh không giảm ho phải nghĩ đến ho do Lao phổi.
- Khạc đờm: kèm theo ho, người bệnh có triệu chứng khạc đờm trên 3 tuần. Ho, khạc đờm là những dấu hiệu hay gặp nhất trong các dấu hiệu quan trọng gợi ý nguyên nhân Lao phổi.
- Ho ra máu: ho ra máu là triệu chứng có thể gặp ở 60% những người Lao phổi, thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp. Ho ra máu có thể lượng ít, vừa hay nhiều. Nguy hiểm nhất có thể gặp ho ra máu sét đánh là do đứt, vỡ một mạch máu, phình mạch ở vùng phổi bị tổn thương, gây tử vong nhanh chóng.
- Đau ngực, khó thở: đau ngực là triệu chứng dễ nhận thấy khi bị bệnh Lao phổi.
- Gầy, sụt cân: những người bệnh gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS… kèm theo có các triệu chứng hô hấp như đã nêu trên phải nghĩ ngay tới Lao phổi.
- Sốt: sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hay gai lạnh về chiều.
- Ra mồ hôi: trong Lao phổi, ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường hay gọi là ra mồ hôi trộm, ở trẻ em triệu chứng này dễ nhận thấy nhất.
- Chán ăn, mệt mỏi: là dấu hiệu bệnh Lao rất phổ biến, có thể do tác động tâm lý, tình trạng sức khỏe, căng thẳng, stress gây nên các ức chế khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ không muốn ăn uống.
Biến chứng của bệnh Lao phổi:
Bệnh Lao phổi có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm sau đây:
- Giãn phế quản: Vi khuẩn Lao phá hủy nhu mô phổi làm tổ chức xơ phát triển, dây xơ co kéo làm phế quản bị biến dạng hẹp lại. Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
- U nấm phổi Aspergillus: vi khuẩn Lao tấn công vào nhu mô phổi sẽ tạo thành những hoại tử bã đậu, sau khi điều trị ổn định sẽ để lại những hang Lao. Hang Lao tồn tại lâu ngày có thể bị nấm Aspergillus Fumigatus trong không khí bám vào rồi sinh sôi, phát triển thành cục nấm gọi là U nấm phổi.
- Xơ phổi: vùng nhu mô phổi bị Lao khi lành bệnh sẽ thành sẹo, gọi là xơ hóa. Nếu ít, không ảnh hưởng đến chức năng phổi, nhưng nếu tổn thương nhiều phần phổi xơ không hoạt động trao đổi khí được làm cho bệnh nhân bị suy hô hấp.
- Tràn khí màng phổi: đây là biến chứng nặng, gây suy hô hấp nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Phòng ngừa bệnh:
Bệnh Lao là một căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong cho người bệnh, trước đây bệnh Lao được liệt vào danh sách 1 trong các bệnh nan y khó chữa, nhưng ngày nay với sự phát triển tiến bộ của khoa học kĩ thuật y học, nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể phòng và chữa khỏi bệnh. Dưới đây là các biện pháp phòng bệnh:
- Hiện nay đã có vắc-xin Bacillus Calmette-Guérin (BCG) phòng bệnh Lao hiệu quả. Tuy nhiên trước khi tiêm vắc-xin này, phải làm tét da để kiểm tra bệnh Lao phổi tiềm ẩn vì người bị Lao phổi tiềm ẩn sẽ không được tiêm phòng.
- Cách li bệnh nhân trong khoảng 2 - 3 tuần sau khi nhiễm bệnh Lao phổi vì trong khoảng thời gian này vi khuẩn từ người bệnh bắt đầu lây lan ra môi trường xung quanh.
- Một trong những cách phòng ngừa bệnh Lao được các chuyên gia y tế khuyến khích áp dụng là mọi người nên đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài và tới những nơi đông người.
- Xử lý cẩn thận chất thải sinh hoạt của bệnh nhân Lao phổi bằng cách đốt hoặc vứt bỏ trong túi nhựa kín.
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh nhà ở của người bệnh Lao phổi, không khạc nhổ bừa bãi, không dùng chung bát đũa, đồ dùng cá nhân với người bị nhiễm bệnh Lao.
Hiện nay, tất cả các thể Lao được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng các thuốc chống Lao đặc hiệu. Vì vậy nếu thấy có các dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh. Đặc biệt, người bệnh trong quá trình điều trị cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ, không tự ý dừng thuốc hoặc uống thuốc ngắt quãng vì có thể gây nên tình trạng Lao kháng thuốc rất nguy hiểm. Phòng chống Lao không phải là chuyện của riêng mỗi gia đình mà còn là trách nhiệm với xã hội. Tất cả mọi người hãy chung tay, góp sức vì một Việt Nam không còn bệnh Lao.