22/02/2017
Bệnh Suy thận mạn tính
Suy thận là tình trạng thận bị suy giảm chức năng, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa trong cơ thể và bài tiết chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra, suy giảm chức năng sản xuất một vài hooc - môn do thận sản xuất. Thận là bộ phận nội tạng quan trọng, vì vậy khi thận có vấn đề sẽ kéo theo hàng loạt các hậu quả khác: huyết áp tăng, buồn nôn, mệt mỏi, phù chân tay, rối loạn tiêu hóa… Ngoài vấn đề sức khỏe, Suy thận còn làm giảm ham muốn tình dục, sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây Suy thận mạn:
- Tiểu đường được xem là nguyên nhân hàng đầu gây Suy thận ở các nước đã phát triển và đang có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam. Ngoài ra, Tiểu đường còn gây nhiều biến chứng lên các hệ cơ quan khác như tim mạch, mắt, thần kinh... Số người mắc bệnh Tiểu đường ngày càng tăng thì tỷ lệ người Tiểu đường có biến chứng thận (Suy thận) ngày càng tăng cao.
- Huyết áp cao nếu không được kiểm soát, điều trị tốt sẽ gây biến chứng Suy thận. Đầu tiên sẽ gây ra tiểu đạm (đạm niệu), sau đó sẽ gây ra Suy thận.
- Một số thuốc có thể gây tổn thương thận, đặc biệt là khi dùng dài ngày, liều không thích hợp. Việc sử dụng các thuốc này cần được hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ. Dưới đây là một số thuốc thường gặp có thể gây ngộ độc cho thận: Thuốc kháng viêm không Steroid, kháng sinh nhóm Aminoglycoside, thuốc kháng lao, thuốc và hóa chất điều trị ung thư, thuốc cản quang, một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc...
- Một số bệnh thận - niệu là nguyên nhân gây Suy thận: Các bệnh như sỏi thận, ứ nước thận, Viêm bể thận... nếu không điều trị tốt sẽ ảnh hưởng chức năng cơ quan này, dần dần gây biến chứng Suy thận mạn. Các bệnh lý như Hội chứng thận hư, Viêm cầu thận không được điều trị tốt cũng sẽ gây Suy thận.
- Các bệnh thận bẩm sinh, di truyền, bệnh mạch thận như: hẹp động mạch thận, viêm mạch dị ứng, thận đa nang, thận nhiều nang đơn… cũng gây ra Suy thận mạn tính.
Triệu chứng của bệnh Suy thận mạn:
- Những bất thường trong nước tiểu và số lần đi tiểu: Những thay đổi như tiểu nhiều vào đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường và nước tiểu có màu nhợt hoặc màu tối, nước tiểu có máu, cảm thấy căng tức hay đi tiểu khó khăn...
- Phù: do thận không còn khả năng loại bỏ được chất lỏng dư thừa, do vậy chất lỏng tích tụ trong cơ thể gây phù ở chân, cổ chân, bàn chân, mặt...
- Thiếu máu là triệu chứng thường gặp, khi tình trạng Suy thận càng nặng thì mức độ thiếu máu của người bệnh cũng sẽ nặng tương ứng.
- Tăng huyết áp gặp ở 80% bệnh nhân Suy thận mạn.
- Suy tim thường gặp ở Suy thận mạn giai đoạn muộn.
- Buồn nôn và nôn: do urê ứ đọng trong máu gây nên tình trạng buồn nôn và nôn.
- Xuất huyết như chảy máu mũi, chân răng, chảy máu dưới da thường gặp. Có trường hợp tiểu cầu giảm rất khó cầm máu.
- Ngứa: Thận có chức năng loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi máu. Khi thận bị suy, sự tích tụ của các chất thải này trong máu có thể gây ngứa ở da.
- Chuột rút thường xuất hiện vào ban đêm, có thể do giảm Natri và Calci máu.
- Thở nông: Đó là do chất lỏng dư thừa trong cơ thể tích tụ trong hai lá phổi kèm theo tình trạng thiếu máu (sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy) gây ra.
- Hoa mắt, chóng mặt và mất tập trung: Thiếu máu khiến não không được cung cấp đủ ôxy. Điều này có thể ảnh đến trí nhớ, gây mất tập trung, hoa mắt và chóng mặt.
- Đau lưng hoặc cạnh sườn: Một số bệnh nhân bệnh thận có thể bị đau ở lưng hay cạnh sườn.
Biến chứng của Suy thận mạn:
- Toàn thân: suy dinh dưỡng, đặc biệt ở trẻ em. Dễ nhiễm khuẩn do sức đề kháng giảm.
- Tim mạch: Suy tim ứ huyết, dày và giãn thất trái, thiếu máu cơ tim, Viêm màng ngoài tim khô hoặc tràn dịch, rối loạn chức năng tâm trương thất trái, rối loạn nhịp tim, ngừng tim do Kali máu tăng, Suy tim trái cấp (phù phổi cấp), vữa xơ động mạch.
- Phổi: Viêm phổi do urê máu cao, lắng đọng Calci ở phổi.
- Tiêu hóa: viêm trợt hoặc loét đường tiêu hóa do urê máu cao, chảy máu đường tiêu hóa.
- Thần kinh: trầm cảm, xuất huyết não do tăng huyết áp, nhồi máu não do vữa xơ động mạch, hôn mê do urê máu cao.
- Nội tiết: rối loạn kinh nguyệt, giảm hưng phấn tình dục, rối loạn dung nạp đường huyết, cường chức năng tuyến cận giáp thứ phát.
- Cơ xương: teo cơ, lắng đọng Calci ở cơ, trẻ em thì còi xương, người lớn thì loạn dưỡng xương do thận (loãng xương, viêm xương xơ, bệnh xương hỗn hợp).
Các biện pháp phòng ngừa suy giảm chức năng thận:
- Nếu người bệnh có bệnh Tiểu đường phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa để giữ đường máu ổn định ở mức bình thường và thường xuyên kiểm tra định kỳ chất đạm trong nước tiểu.
- Điều trị tốt bệnh lý tăng huyết áp, tăng mỡ máu.
- Không hút thuốc lá vì hút thuốc lá là một yếu tố gây ra tiểu đạm làm tổn thương thận, lâu dần có thể gây suy thận.
- Không nên uống nhiều rượu.
- Nên ăn giảm muối, ít chất béo, ăn nhiều cá, rau xanh, hoa quả tươi.
- Cần uống nước đúng cách, uống đủ nước, khoảng 2-3 lít một ngày tùy mức vận động, thời tiết.
- Tập thể dục đều đặn.
- Không tự ý dùng thuốc bừa bãi.
- Cần chủ động đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm một lần nhằm phát hiện bệnh sớm.
Suy thận mạn là một hội chứng diễn biến qua nhiều giai đoạn và kéo dài nhiều năm. Điều trị rất phức tạp và ít kết quả, có nhiều biến chứng nặng nề có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nên khi có các dấu hiệu của bệnh thận cần đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị bệnh hiệu quả.