Loãng xương là tình trạng xương bị xốp và giảm khối lượng xương làm cho xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ. Loãng xương là căn bệnh khó điều trị và thường để lại hậu quả xấu như: gãy xương, lún xương, gù vẹo cột sống… làm giảm khả năng vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người bệnh.
Bình thường có 2 quá trình đồng thời xảy ra tác động trực tiếp lên xương của con người đó là tạo xương và hủy xương. Khi còn trẻ, quá trình tạo xương chiếm ưu thế, xương ngày một phát triển, các bè xương to ra. Đến tuổi trưởng thành, hai quá trình tạo và hủy xương cân bằng với nhau, xương luôn cứng chắc. Tuy nhiên, ở người lớn tuổi, quá trình tạo xương giảm, hủy xương tăng lên. Hậu quả là các bè xương mỏng đi, số lượng bè cũng giảm, tạo ra các khoang rỗng bên trong xương, các khoáng chất như Canxi, Phospho cũng bị rửa trôi đi, hàm lượng chất khoáng trong xương giảm đi, xương trở nên nhẹ hơn. Tình trạng này của xương được gọi là Loãng xương hoặc xốp xương.
Nguyên nhân gây Loãng xương :
- Các tế bào sinh xương bị lão hoá.
- Sự hấp thu Canxi ở ruột bị hạn chế do mắc các bệnh mạn tính đường tiêu hóa.
- Sự suy giảm các hormon sinh dục nữ và nam: nồng độ Estrogen thấp do kinh nguyệt không đều hoặc thời kỳ mãn kinh có thể gây ra bệnh Loãng xương ở phụ nữ. Trong khi đó, nồng độ Testosterone thấp có thể gây ra Loãng xương ở nam giới.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh Loãng xương:
- Giới tính: phụ nữ dễ bị Loãng xương hơn so với nam giới.
- Tuổi tác: độ tuổi càng cao, càng có nguy cơ Loãng xương.
- Kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ như: còi xương, suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu Protein, thiếu Canxi hoặc tỷ lệ Canxi/Phospho trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D...
- Tiền sử gia đình có cha, mẹ bị loãng xương hoặc gãy xương.
- Ít hoạt động thể lực, ít hoạt động ngoài trời, bất động quá lâu ngày do bệnh tật hoặc do nghề nghiệp.
- Có thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá…làm tăng thải Canxi qua đường thận và giảm hấp thu Canxi ở đường tiêu hóa.
- Sinh đẻ nhiều lần, nuôi con bằng sữa mẹ mà không ăn uống đủ chất đặc biệt là Protid và Canxi để bù đắp lại.
- Bị mắc một số bệnh như: Thiểu năng các tuyến sinh dục nam và nữ (suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm, cắt buồng trứng, thiểu năng tinh hoàn…), bệnh nội tiết: cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận bệnh mãn tính đường tiêu hoá làm hạn chế hấp thu Canxi, vitamin D, Protein…ảnh hưởng chuyển hoá Canxi và sự tạo xương; Bệnh Suy thận mạn hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây mất Canxi qua đường tiết niệu; Các bệnh xương khớp mạn tính đặc biệt là Viêm khớp dạng thấp và Thoái hoá khớp.
- Sử dụng dài hạn một số thuốc: chống động kinh (Dihydan), thuốc điều trị Đái tháo đường (Insulin), thuốc chống đông (Heparin) và đặc biệt là nhóm thuốc kháng viêm Corticosteroid (Corticosteroid một mặt ức chế trực tiếp quá trình tạo xương, mặt khác làm giảm hấp thu Canxi ở ruột, tăng bài xuất Canxi ở thận và làm tăng quá trình hủy xương).
Biểu hiện của bệnh Loãng xương:
Quá trình Loãng xương diễn ra từ từ nên không gây triệu chứng gì, chỉ tới khi Loãng xương nặng, xương bị gãy hoặc bị xẹp mới có biểu hiện bệnh. Sau đây là một số biểu hiện chính của bệnh:
- Đau nhức các đầu xương: đau nhức, mỏi dọc các xương dài; Đau nhức như châm chích toàn thân; Đau tăng về đêm, nghỉ ngơi không hết.
- Đau cột sống, đau quanh cột sống hoặc lan sang một hoặc hai bên mạn sườn do kích thích các rễ thần kinh liên sườn. Đau cột sống thường kèm theo co cứng các cơ dọc cột sống gây đau, giật cơ khi thay đổi tư thế. Lúc nằm yên, người bệnh thường thấy dễ chịu hơn.
- Gù vẹo cột sống, giảm chiều cao so với lúc trẻ (do các đốt sống bị lún, xẹp hoặc bị gãy lún).
- Các triệu chứng toàn thân thường gặp là luôn có cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh, hay bị chuột rút, ra mồ hôi.
Những biến chứng của bệnh Loãng xương:
Ban đầu bệnh Loãng xương sẽ không gây ảnh hưởng gì cho bệnh nhân, nếu có cũng chỉ là những cơn đau thoáng qua, nên người bệnh không chú ý. Nhưng khi bệnh kéo dài thì sẽ gây ra nhiều biến chứng như:
- Những cơn đau, co cứng cơ sẽ ngày càng tăng, khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược cơ thể ảnh hưởng đến khả năng vận động, công việc hàng ngày.
- Loãng xương sẽ gây biến dạng cột sống, dẫn đến gù, vẹo cột sống, còng lưng, giảm chiều cao, khiến người bệnh ngại giao tiếp, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.
- Xương sẽ trở nên mỏng, dễ gãy, dễ lún và dễ xẹp, đặc biệt ở các vị trí chịu lực của cơ thể như cột sống, cổ xương đùi, đầu dưới xương quay...
- Hậu quả cuối cùng của bệnh Loãng xương là gãy xương. Lúc này, dù chỉ một va chạm nhẹ, hay thậm chí là một cơn hắt hơi người bệnh cũng có thể bị gãy xương.
- Việc nằm tại chỗ lâu ngày khi gãy xương không những làm tình trạng Loãng xương càng nặng hơn mà còn dễ dẫn đến các biến chứng như: bội nhiễm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu, loét.
Phòng bệnh Loãng xương:
- Bổ sung Canxi qua thực phẩm: Cả phụ nữ và nam giới ở tuổi trung niên đều cần trung bình 1.000mg Canxi mỗi ngày. Nhu cầu này tăng lên thành 1.500mg đối với phụ nữ thời kỳ mãn kinh và nam giới trên 75 tuổi. Trên thực tế, phần lớn mọi người đều không được cung cấp đủ lượng Canxi cần thiết mỗi ngày. Vì vậy, việc tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu Canxi là rất cần thiết. Tại mỗi thời điểm, cơ thể chỉ hấp thụ một lượng Canxi nhất định, vì vậy nên chia nhỏ các thực phẩm giàu chất này thành nhiều lần trong ngày.
Các thực phẩm giàu Canxi:
+ Sữa và các sản phẩm của sữa như: sữa chua, phomát…
+ Cá, nhất là cá mòi, cá thu.
+ Các loại rau củ hạt: xúp lơ xanh, cải xoăn, củ cải đường, rau xanh đậm, hạt đậu nành.
- Bổ sung vitamin D: Vitamin D cho phép cơ thể hấp thụ Canxi. Nếu thiếu vitamin D, xương sẽ trở nên giòn và yếu. Có thể bổ sung vitamin D bằng thực phẩm, tuy nhiên, vitamin D có ít trong thực phẩm tự nhiên trừ một vài loại cá biển béo. Trong cơ thể, bình thường dưới da có sẵn các tiền vitamin D. Tắm nắng là một trong những biện pháp hữu hiện cung cấp cho vitamin D cơ thể phòng tránh bệnh Loãng xương.
- Tập thể dục đều đặn, phù hợp với tình trạng sức khỏe: giúp tăng cường sự cân bằng và duy trì độ dẻo dai của hệ thống xương, giảm nguy cơ Loãng xương và gãy xương ở người lớn tuổi.
- Khám định kỳ: nên đến bệnh viện kiểm tra mật độ xương định kỳ. Đây là cách duy nhất giúp phát hiện sớm bệnh Loãng xương.
- Bỏ hút thuốc lá: việc hút thuốc thường xuyên cũng làm tăng 10 lần nguy cơ Loãng xương và tăng 2 lần nguy cơ gãy xương cột sống và xương hông. Hút thuốc còn khiến vết gãy ở xương khó phục hồi.
Bệnh Loãng xương gây nhiều hậu quả nặng nề dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống và giảm tuổi thọ. Khi đã bị Loãng xương thì chi phí điều trị rất cao, thời gian điều trị kéo dài, thuốc điều trị gây nhiều tác dụng phụ. Do vậy việc phát hiện sớm và điều trị ngay từ đầu rất có ý nghĩa để phòng bệnh Loãng xương và ngăn ngừa gãy xương. Những người đã đến tuổi trưởng thành bị kém phát triển chiều cao, cân nặng dưới 40 kg hoặc giảm trọng lượng nhanh, cơ bắp yếu, người nghiện rượu, thuốc lá… cũng nên kiểm tra định kỳ mật độ của xương.